Thông tin sức khỏe

Góc sức khỏe giúp bạn hiểu thêm về y khoa thường thức

Phụ lục xét nghiệm

Phụ lục xét nghiệm cung cấp cho bạn các thông tin cơ bản về các xét nghiệm thường được chỉ định để hỗ trợ chẩn đoán. Các xét nghiệm được sắp xếp theo từng chuyên mục để người xem dễ theo dõi và tra cứu.

APTT, PT

Thời gian Prothrombin (PT) và thời gian thrompoplastin hoạt hóa từng phần (APTT) là hai trong số các xét nghiệm đông máu được thực hiện thường quy nhất. Hai loại xét nghiệm này đo thời gian cần thiết để máu đông đặc lại. Khi chức năng của gan bị giảm dần, thời gian đông máu trở nên dài hơn, theo đó, thời gian làm lành vết thương cũng lâu hơn.

Công thức máu

Xét nghiệm công thức máu là xét nghiệm máu thường qui được sử dụng để đánh giá sức khỏe tổng thể nhằm phát hiện một loạt các rối loạn, bao gồm nhiễm trùng, thiếu máu và bệnh bạch cầu. Xét nghiệm công thức máu thường bao gồm những giá trị về số lượng các tế bào máu như bạch cầu (WBC), hồng cầu (RBC), tiểu cầu; lượng huyết sắc tố (Haemoglobin), khối hồng cầu (PCV), thể tích trung bình cùa hồng cầu (MCV), lượng Haemoglobin trung bình của hồng cầu (MCH), nồng độ Haemoglobin trung bình hồng cầu (MCHC)…

Nhóm máu

Hệ nhóm máu ABO và Rhesus (Rh) là hai hệ nhóm máu phổ biến nhất trong y học. Hệ thống nhóm máu ABO được chia làm bốn nhóm: nhóm A, nhóm B, nhóm AB và nhóm O. Tỷ lệ giữa các nhóm máu hệ ABO trong dân số là: nhóm A khoảng 23%, nhóm B khoảng 23%, nhóm AB khoảng 5% và nhóm máu O khoảng 49%. Hệ nhóm máu Rhesus có hai nhóm máu là Rh(+) và Rh(-). Nhóm máu đóng vai trò quan trọng trong truyền máu. Vấn đề đáng ghi nhận khi một người mẹ có nhóm máu Rh(-) nhưng mang thai đứa con có nhóm máu Rh(+). Nhưng trong điều trị y khoa hiện đại, đây không phải là vấn đề mang tính chẩn đoán sớm.

ESR (VS)

Máu là sự kết hợp giữa hai thành phần là hỗn hợp các loại tế bào máu và phần dịch lỏng gọi là huyết tương. Nếu lấy máu ra ngoài cơ thể thì các tế bào máu sẽ lắng xuống và lượng lắng trong một giờ đo được gọi là tốc độ lắng máu (ESR). Có nhiều nguyên nhân gây ảnh hưởng đến tốc độ lắng máu, nhưng nhìn chung, nếu ESR càng cao thì nguy cơ bệnh tim mạch càng lớn.

Phiến máu ngoại vi

Xét nghiệm phiến máu ngoại vi được thực hiện bằng cách lấy một ít máu phết mỏng ra trên tấm kính và quan sát dưới kính hiển vi, nhằm đánh giá hình dạng và kích thước các tế bào máu.

Đếm hồng cầu lưới

Hồng cầu lưới là tế bào tiền thân trực tiếp của hồng cầu, ở giai đoạn biệt hóa và trưởng thành cuối cùng của hồng cầu trong tủy xương trước khi vào dòng máu tuần hoàn. Giới hạn bình thường của hồng cầu lưới trong máu ngoại vi dao động trong khoảng 0.2% đến 2.0%. Số lượng hồng cầu lưới là một thông số hữu ích trong việc theo dõi chức năng tạo hồng cầu của tủy xương, nhất là trong điều trị các trường hợp thiếu máu. Hồng cầu lưới tăng cả về số lượng lẫn tỷ lệ phần trăm khi có sự tăng sản xuất hồng cầu chẳng hạn trong hội chứng thiếu máu huyết tán hay trong bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm. Ngược lại, số lượng hồng cầu lưới có thể giảm do hóa trị liệu (như trong một số bệnh ung thư), thiếu máu do suy tủy hoặc thiếu máu ác tính.

Ký sinh trùng sốt rét

Bệnh sốt rét là một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng. Bệnh phổ biến ở các nước nhiệt đới như châu Phi, châu Á và Nam Mỹ. Nguyên nhân gây bệnh là do ký sinh trùng (KST) Plasmodium. KST là dạng sinh vật sống bám trên sinh vật chủ và hút sinh chất của vật chủ để tồn tại. KST Plasmodium được truyền cho người do muỗi cắn. Xét nghiệm KST sốt rét có ý nghĩa rất lớn trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh sốt rét.

CKMB

CK-MB (Creatine Kinase Myoglobin) là một trong ba hình thức riêng biệt (isoenzymes) của enzyme creatine kinase (CK). CK-MB được tìm thấy chủ yếu ở cơ tim. Nồng độ CK-MB tăng lên khi có tổn thương các tế bào cơ tim. Do đó, xét nghiệm CK-MB dùng để chẩn đoán sớm nhồi máu cơ tim.

Hs-CRP

CRP (C-reactive protein) là một chất phản ứng ở giai đoạn cấp, được sản xuất ở gan và bài tiết vào máu vài giờ sau khi xuất hiện viêm nhiễm. Nồng độ CRP tăng sau nhồi máu cơ tim, nhiễm trùng huyết và sau phẫu thuật. Xét nghiệm Hs-CRP (high-sensitivity CRP) có thể phát hiện protein ở nồng độ thấp giúp hữu hiệu trong việc chuẩn đoán nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở một người khỏe mạnh.

Total Cholesterol

Hàm lượng Cholesterol trong máu cao do ăn quá nhiều thực phẩm giàu Cholesterol và sự tăng tổng hợp ở gan. Cholesterol cao dẫn đến tăng lắng đọng ở thành mạch máu, sau đó thành mạch máu bị thu hẹp lại và dẫn đến xơ vữa động mạch. Nồng độ Cholesterol trong máu cao hơn 200mg/ dl (5.2 mmol/ l) có liên quan tới tăng nguy cơ xơ vữa động mạch và nguy cơ này tăng lên với mức độ ngày càng cao.

HDL Cholesterol

HDL Cholesterol được gọi là “cholesterol tốt”, vì chúng giúp loại bỏ cholesterol ra khỏi tế bào và vận chuyển tới gan để bài tiết. Nồng độ HDL Cholesterol  cao cho thấy nguy cơ thấp chứng xơ vữa động mạch, thường thấy ở phụ nữ tiền mãn kính, những người tập thể dục thường xuyên và không hút thuốc.

LDL Cholesterol

LDL là một loại lipoprotein mang cholesterol trong máu. LDL Cholesterol thường được gọi là “cholesterol xấu”  vì chúng làm cholesterol dư thừa xâm nhập vào màng của thành mạch máu, dẫn đến xơ vữa động mạch và nguy cơ tim mạch. Do đó, nồng độ LDL Cholesterol cao là nguy cơ chính gây bệnh động mạch vành.

Triglycerides

Triglycerides là dạng chất béo được tìm thấy trong mô mỡ và là nguồn năng lượng chính của cơ thể. Với người thường xuyên nạp vào cơ thể lượng calo nhiều hơn khả năng tiêu thụ của cơ thể sẽ dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì. Triglyceride tích tụ trong máu, bám vào các thành mạch tạo nên các mảng mỡ trên động mạch, động mạch bị hẹp cản trở đường lưu thông của máu, gây xơ vữa động mạch, đột quỵ và nhồi máu cơ tim…

Troponin

Troponin là một protein có tác dụng điều hòa sự co cơ, gồm ba tiểu đơn vị có cấu trúc và chức năng khác nhau là Troponin T (TnT), Troponin I (TnI) và Troponin C (TnC). Khi có tổn thương các tế bào cơ tim, troponin được phóng thích vào máu. Tổn thương cơ tim càng nhiều, nồng độ troponin trong máu càng cao. Xét nghiệm troponin được thực hiện nhằm xác định nguyên nhân cơn đau tim của bệnh nhân (nhồi máu cơ tim hoặc các thương tổn khác).

T3

T3 là hormone chủ yếu được tạo ra bên ngoài tuyến giáp, đặc biệt ở gan và hoạt động mạnh nhất ở máu. Xét nghiệm T3 được sử dụng trong chẩn đoán cường giáp, phát hiện sớm các tình trạng cường giáp và chỉ dẫn cho chẩn đoán giả nhiễm độc giáp.

T3 tự do

T3 tự do (FT3) là dạng tự do của hormone T3. Xét nghiệm FT3 thường được chỉ định cùng với các xét nghiệm về tuyến giáp khác (T3, T4, FT4, TSH) để chẩn đoán cường giáp, suy giáp, u độc tuyến giáp…

T4

T4 là nội tiết tố (hormone) sản xuất bởi tuyến giáp giúp điều chỉnh các quá trình trao đổi chất của cơ thể. Nếu tuyến giáp không sản xuất đủ T4 do rối loạn chức năng tuyến giáp, người bệnh sẽ có các triệu chứng của suy giáp như tăng cân, da khô, không chịu lạnh, kinh nguyệt không đều, mệt mỏi. Nếu tuyến giáp sản xuất quá nhiều T4, tỷ lệ các chức năng cơ thể của người đó sẽ tăng và gây ra các triệu chứng cường giáp như nhịp tim tăng, lo lắng, giảm cân, khó ngủ, tay run rẩy, bọng quanh mắt, khô mắt, mắt bị kích thích.

T4 tự do

Xét nghiệm T4 tự do (FT4) cho giá trị chính xác ở những bệnh nhân mà nồng độ T4 bị ảnh hưởng bởi thay đổi protein huyết tương hoặc thay đổi vị trí gắn kết protein như ở phụ nữ mang thai, dùng thuốc (adrogen, estrogen, thuốc tránh thai, phenytoin…), protein huyết tương giảm (suy thận, xơ gan…). Giá trị FT4 tăng trong cường giáp, giảm trong bệnh nhược giáp.

TSH

TSH là một glucoprotein được tiết ra bởi tuyến yên. Xét nghiệm TSH dùng để chẩn đoán hội chứng nhược giáp, điều trị nhược giáp (các phương pháp điều trị cần đưa TSH về giá trị bình thường), chẩn đoán phân biệt nhược năng tuyến giáp nguyên phát (phù niêm) với nhược năng tuyến giáp thứ phát (thiểu năng tuyến yên). Hàm lượng TSH tăng trong bệnh nhược giáp nguyên phát và giảm trong cường  giáp, nhược giáp thứ phát do rối loạn tuyến yên.

Beta HCG

Xét nghiệm Beta HCG được dùng để đo nồng độ hormone Beta HCG – là loại hormone được tiết ra bởi nhau thai khi người phụ nữ mang thai. Do đó, xét nghiệm này được thực hiện để chẩn đoán các tình trạng trong thai kỳ như chẩn đoán thai kỳ bất thường, chẩn đoán nguy cơ sảy thai, tính tuổi thai nhi, chẩn đoán thai sớm khi trễ kinh… Ngoài ra, xét nghiệm Beta HCG cũng được sử dụng như một dấu ấn ung thư trong chỉ định đối với ung thư vú, dạ dày, buồng trứng, tinh hoàn…

SHBG

SHBG (Hormone giới tính gắn globulin) là một loại protein được sản xuất tại gan và liên kết chặt chẽ với các hormone testosterone, dyhydrotestosterone và estradiol. Xét nghiệm SHBG có thể được sử dụng để xác định người đàn ông có lượng testosterone thấp và phụ nữ sản xuất testosterone dư thừa. SHBG có thể được kết hợp với các xét nghiệm khác để đánh giá tình trạng các hormone giới tính của một người. Hàm lượng SHBG tăng có thể được nhìn thấy trong bệnh gan, cường giáp, sản xuất hormone sinh dục giảm… Hàm lượng SHBG giảm trong trường hợp béo phì, hội chứng buồng trứng đa nang, suy giáp…

Cortisol

Cortisol là hormone được sản xuất và tiết ra bởi các tuyến thượng thận, đóng vai trò quan trọng trong sự chuyển hóa chất protein, chất béo và carbohydrate. Xét nghiệm cortisol có thể được chỉ định để sàng lọc và giúp chẩn đoán hội chứng Cushing, một nhóm các dấu hiệu và triệu chứng liên quan đến dư thừa cortisol như cao huyết áp, béo phì, loãng xương, da mỏng… Ngoài ra, xét nghiệm cortisol còn giúp chẩn đoán suy thượng thận và bệnh Addison, các nguyên nhân làm tuyến thượng thận hoạt động không chính xác.

FSH

FSH là hormone kích thích sản xuất tinh trùng ở nam và kích thích buồng trứng sản xuất estrogen ở nữ. Xét nghiệm FSH được thực hiện để đánh giá các vấn đề vô sinh, chu kỳ kinh nguyệt không đều, chẩn đoán rối loạn của tuyến yên, bệnh liên quan đến buồng trứng ở nữ và đánh giá số lượng tinh trùng thấp, rối loạn tinh hoàn. Đối với trẻ em, FSH dùng để xác định việc dậy thì sớm hay muộn khi cơ quan sinh sản không phát triển theo chuẩn lứa tuổi.

LH

LH là hormone được sản xuất bởi tuyến yên trong não. Xét nghiệm LH được thực hiện để xác định thời điểm rụng trứng, thời điểm thụ tinh và có thể chẩn đoán được sự rối loạn về trục dưới đồi – tuyến yên, xác định thời điểm giao hợp tốt nhất và thụ tinh nhân tạo (do LH tăng trước khi rụng trứng). Mặt khác, việc xác định hàm lượng LH ở nữ còn mang lại lợi ích trong việc chẩn đoán các hiện tượng vô kinh, mãn  kinh, vòng kinh không rụng trứng, hội trứng buồng trứng đa nang, suy vùng dưới đồi…

Prolactin

Prolactin là một hormone được sản xuất bởi thùy trước của tuyến yên. Vai trò chính của prolactin là kích thính bài tiết sữa (sản xuất sữa mẹ). Bình thường, ở phụ nữ không mang thai, chỉ số prolactin thấp và cao trong thời gian thai kì, sinh con. Xét nghiệm prolactin có thể được sử dụng cùng với một số xét nghiệm về nội tiết tố (hormone) khác để: chẩn đoán nguyên nhân của rối loạn kinh nguyệt hoặc vô sinh ở nữ giới, chẩn đoán nguyên nhân của vô sinh và rối loạn chức năng cương dương ở nam giới, đánh giá chức năng thùy trước tuyến yên hoặc các rối loạn tuyến yên khác ở cả nam và nữ…

Estradiol, E2

Estradiol là một dạng của hormone estrogen, được sản xuất bởi buồng trứng, vú và tuyến thượng thận. Xét nghiệm estradiol được thực hiện để đo nồng độ estradiol trong máu nhằm đánh giá chức năng hoạt động của buồng trứng và cũng được áp dụng để tìm ra nguyên nhân của các triệu chứng như chu kỳ kinh nguyệt bất thường, chảy máu âm đạo bất thường, vô sinh ở phụ nữ…

Progesterone

Progesterone là hormone được sản xuất chủ yếu ở buồng trứng. Xét nghiệm progesterone để định hàm lượng hormone này trong máu nhằm xác định quá trình rụng trứng ở nữ giới, xác định nguy cơ mang thai ngoài tử cung hoặc sảy thai sớm trong thai kỳ… Ở nam giới, progesterone cũng được sản xuất với lượng nhỏ nhưng không có vai trò gì, trừ khi nghi ngờ bệnh liên quan đến tuyến thượng thận.

Testosterone

Testosterone là một loại hormon có trong tinh hoàn của nam giới và một phần nhỏ từ tuyến thượng thận, có vai trò quan trọng trong sự phát triển các mô sinh sản ở người nam như: tinh hoàn, tuyến tiền liệt. Xét nghiệm testosterone được sử dụng để chẩn đoán một số tình trạng ở nam giới, phụ nữ và trẻ em trai. Nồng độ testerone tăng ở nam giới có thể do: khối u tinh hoàn, cường giáp… Ở nữ giới, hàm lượng testosterone tăng có thể do: hội chứng buồng trứng đa nang, khối u buồng trứng hay tuyến thượng thận…

 

VDRL

VDRL là xét nghiệm tìm kháng thể giang mai, dùng sàng lọc khi khám sức khỏe cho nhiều người. Phản ứng dùng kháng nguyên chế từ tim bò, cho phản ứng với huyết thanh người bệnh. Nếu thấy kết tủa như bông là phản ứng dương tính. Xét nghiệm VDRL nhạy, dễ làm nhưng tính đặc hiệu không cao. Muốn tính đặc hiệu cao phải dùng kháng nguyên là bản thân xoắn khuẩn treponema (xét nghiệm TPHA).

TPHA

Xét nghiệm TPHA là xét nghiệm phát hiện kháng thể kháng xoắn khuẩn giang mai trong huyết thanh của người bệnh bị giang mai. Xét nghiệm TPHA là xét nghiệm đặc hiệu dùng để xác định cơ thể có bị nhiễm giang mai không khi có kết quả VDRL dương tính. Nếu TPHA dương tính thì khả năng cơ thể nhiễm giang mai là rất cao.

Trong lâm sàng, các xét nghiệm dấu ấn ung thư được phân loại thành 4 nhóm: tầm soát và phát hiện sớm, khẳng định chẩn đoán, tiên lượng đáp ứng điều trị, và theo dõi tiến triển bệnh – khả năng tái phát.

Các dấu ấn ung thư đa phần có độ nhạy kém, và không đặc trưng với từng loại ung thư, nên thường khó kết luận khi sử dụng riêng rẽ. Nhằm cải thiện điều này, các dấu ấn ung thư thường được chỉ định kết hợp với nhau và kết hợp với các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác để đạt mức độ chính xác cao hơn. Ví dụ, sự kết hợp của CA125 cùng với siêu âm trong phát hiện ung thư buồng trứng ở giai đoạn sớm.

PSA

PSA là một loại protein được tạo ra chủ yếu ở tuyến tiền liệt với một lượng nhỏ trong máu. Xét nghiệm PSA đo mức kháng nguyên đặc hiệu với tuyến tiền liệt. Nồng độ PSA máu cao hơn bình thường có thể là do nhiễm trùng, viêm, phì đại hoặc ung thư tuyến tiền liệt. Với nam giới có tuổi, tuyến tiền liệt to ra và mức PSA cũng tăng theo.

AFP

Alpha fetoprotein (AFP) là xét nghiệm dấu ấn ung thư gan nguyên phát, tinh hoàn, và buồng trứng. Xét nghiệm Alpha fetoprotein thường được chỉ định cùng với chẩn đoán hình ảnh (siêu âm, x-quang) để làm gia tăng giá trị định hướng chẩn đoán đồng thời có ý nghĩa trong việc theo dõi điều trị. AFP tăng không đồng nghĩa là bệnh nhân bị ung thư gan vì ngoài ung thư gan AFP còn tăng lên khi bệnh nhân bị viêm gan cấp, viêm gan mạn, xơ gan, có thai… Ngược lại AFP bình thường cũng không loại trừ khả năng bị ung thư gan vì có tới 20-30% bệnh nhân ung thư gan nguyên phát nhưng nồng độ AFP vẫn không cao, đó là chưa kể các trường hợp ung thư gan thứ phát. Đối với phụ nữ khi mang thai, chỉ số AFP thường cao hơn người bình thường. Chỉ số AFP vượt ngưỡng trong thời gian mang thai có thể đề nghị bất thường của thai nhi.

CEA

Xét nghiệm CEA (Carcinoembryonic antigen) là xét nghiệm đo mức kháng nguyên carcinoembryonic (CEA) trong máu. CEA là một protein thường được tìm thấy trong mô của thai nhi. Nồng độ của protein này trở nên rất thấp hoặc biến mất sau khi trẻ ra đời. Xét nghiệm này thường được chỉ định cho những người đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư trước đó. Chỉ số CEA giúp đánh giá sự đáp ứng trong quá trình điều trị, theo dõi diễn tiến bệnh và sự tái phát sau điều trị của ung thư đại tràng và các ung thư khác.

CA125

CA 125 là một chất chỉ điểm cực kỳ chính xác đối với các khối u biểu mô không nhầy của buồng trứng. CA 125 là một dấu ấn ung thư được sử dụng phổ biến nhất để phát hiện, theo dõi hiệu quả điều trị ung thư buồng trứng và để phát hiện ung thư tái phát sau điều trị. Ngoài ung thư buồng trứng, mức độ CA 125 huyết tương cũng có thể tăng trong một số các ung thư (bệnh ác tính) khác như ung thư do lạc nội mạc tử cung, ung thư phổi, vú, đại trực tràng… Điều cần chú ý là mức độ CA 125 huyết tương cũng có thể tăng nhẹ trong một số các bệnh lành tính như viêm phần phụ, viêm gan, viêm tụy… nhưng nói chung, mức độ tăng của CA 125 trong các bệnh này thường thấp hơn và có độ nhạy lâm sàng thấp hơn.

CA15-3

Kháng nguyên ung thư 15-3 (CA 15-3) là một protein được sản xuất bởi các tế bào vú bình thường, sự sản xuất CA 15-3 tăng ở nhiều bệnh nhân bị các khối u ung thư vú. CA 15-3 cũng có thể tăng ở một số ung thư khác như ung thư đại trực tràng, ung thư phổi, một số bệnh lành tính như xơ gan, viêm gan, u vú lành tính, ở phụ nữ có thai hoặc cho con bú.

CA19-9

CA 19-9 là một kháng nguyên có ở tế bào tuyến của các tạng như dạ dày, ruột, vú, phổi và đặc biệt là tuyến tụy. Vai trò chủ yếu của CA19-9 là sử dụng để chẩn đoán sớm, theo dõi hiệu quả điều trị, phát hiện tái phát và tiên lượng ung thư tụy. Mức độ CA 19-9 huyết tương cũng có thể tăng trong một số ung thư khác như ung thư tụy, gan, mật, dạ dày, đại trực tràng, buồng trứng, thực quản…

Canabinoids nước tiểu

Canabinoids là một nhóm các hợp chất hoạt tính được tìm thấy trong Cần Sa. Các hợp chất Canabinoid chịu trách nhiệm về các tác động của Cần Sa lên cơ thể và là nguyên nhân làm cho người tiêu thụ Cần Sa cảm thấy phấn chấn. Nếu dùng quá nhiều Cần Sa có thể gây ra sự lo âu và hoang tưởng ở một số người. Sự hiện diện của cannabinoids trong nước tiểu cho thấy việc sử dụng cần sa gần đây hoặc đã tiêu thụ chúng nhiều lần trong khoảng thời gian dài.

Opiates nước tiểu

Opiates là thuật ngữ để chỉ các loại cây thuốc phiện (Morphine, Codeine…), các chất ma túy bán tổng hợp từ cây thuốc phiện (Heroin…) và các loại ma túy tổng hợp (Methadone, Buprenorphine…). Do opiates là chất không chuyển hóa, nên khi dùng các chất opiate thì cơ thể vẫn bài tiết ra đường nước tiểu. Khi nồng độ opiates tăng cao bất thường thì người sử dụng bị coi là đã lạm dụng hoặc bị nghiện các chất ma túy.

Tổng phân tích nước tiểu

Tổng phân tích nước tiểu là một xét nghiệm thường qui, thường được chỉ định để chẩn đoán các bệnh tiểu đường, nhiễm ceton, đái nhạt, bệnh gan, mật, thận, bệnh viêm đường tiết niệu, đái máu… phát hiện sớm ngộ độc thai nghén. Do đó, xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu là một chỉ định hữu ích để phát hiện những bất thường trong cơ thể và đánh giá mức độ nghiêm trọng đối với tình trạng sức khỏe bệnh nhân.

Xét nghiệm nước tiểu thai kỳ

Xét nghiệm nước tiểu thai kỳ là một trong những xét nghiệm cần thiết được chỉ định khi mang thai. Đây là cách chuẩn xác để phát hiện nhiễm trùng đường tiết niệu kịp thời khi chưa có triệu chứng rõ ràng. Nếu kết quả cho thấy có đường glucose trong nước tiểu, có thể là bệnh lý tiểu đường thai kỳ. Có sự xuất hiện đạm trong nước tiểu có thể là dấu hiệu đầu tiên của bệnh tiền sản giật hay còn gọi là chứng nhiễm độc thai nghén và các bệnh lý khác có thể chẩn đoán được nhờ dựa vào những bất thường trong kết quả xét nghiệm.

Protein niệu

Bình thường protein không có hoặc có rất ít trong nước tiểu. Khi protein xuất hiện thường xuyên với nồng độ cao trong nước tiểu sẽ mang ý nghĩa bệnh lý, và thông thường đó là một trong những chỉ điểm quan trọng của bệnh lý thận, tiết niệu. Do đó, xét nghiệm protein niệu được xem như là một xét nghiệm sàng lọc bệnh lý thận, tiết niệu.

Albumin niệu (Microalbumin)

Microalbumin là xét nghiệm nhằm phát hiện lượng albumin rất nhỏ, xuất hiện trong nước tiểu khi chức năng của thận giảm sút. Bệnh nhân đái tháo đường đặc trưng bởi sự xuất hiện protein trong nước tiểu. Do đó, xét nghiệm Microalbumin giúp phát hiện sớm lượng protein trong nước tiểu, nếu can thiệp kịp thời có thể giúp phòng ngừa hay làm chậm biến chứng thận cho bệnh nhân đái tháo đường.

Gọi Hotline